Chưa điều chỉnh nhiều loại quyền, tài sản Xuất phát từ ý nghĩa của thiết chế đăng ký tài sản, những năm vừa qua, Nhà nước Việt Nam đã có những cố gắng trong việc xây dựng pháp luật về đăng ký tài sản. Các quy định này đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định trong việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản của tổ chức, cá nhân, qua đó, giúp Nhà nước quản lý tốt hơn thông tin về hiện trạng và tình trạng pháp lý của tài sản. Tuy nhiên, nội dung đăng ký tài sản đang được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau như Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Bộ luật Hàng hải năm 2015, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tại Hội thảo “Hoàn thiện khuôn khổ thể chế về đăng ký tài sản tại Việt Nam” diễn ra hôm qua - 16/8 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, với sự phối hợp của Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam (Dự án NLD), Bộ Tư pháp đánh giá: Tuy có nhiều văn bản cùng điều chỉnh như trên nhưng pháp luật hiện hành và thực tiễn đăng ký tài sản lại vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó thiếu nguyên tắc pháp lý chung nhất khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về đăng ký tài sản; thiếu thống nhất trong chính các quy định của pháp luật hiện hành về một số nội dung cơ bản của đăng ký tài sản; thiếu cơ chế đăng ký đối với một số loại tài sản theo yêu cầu. Chẳng hạn, Luật Đất đai năm 2013 hiện vẫn điều chỉnh vấn đề đăng ký đất đai bao gồm đăng ký lần đầu (cấp Giấy chứng nhận) và đăng ký các biến động liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (các giao dịch về quyền sử dụng đất). Đối với động sản có giá trị lớn, pháp luật hiện hành chưa quy định về đăng ký sở hữu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân để được công nhận và bảo hộ quyền sở hữu đã được xác lập từ các căn cứ tạo lập tài sản hợp pháp, trong đó có nhận chuyển quyền hợp pháp. Còn đối với một số loại tài sản thì chưa có cơ chế đăng ký theo yêu cầu như tài sản gắn liền với đất là công trình tạm, công trình phụ trợ; động sản có giá trị khác; các quyền khác đối với bất động sản mới được ghi nhận trong BLDS năm 2015 (bao gồm quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt); các quyền liên quan đến tài sản (quyền cho thuê, cho mượn, quyền mua – bán tài sản có chuộc lại, quyền hưởng dụng đối với động sản được quy định trong BLDS năm 2015). Báo cáo của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) dẫn ra hàng loạt ví dụ. Đáng chú ý là trên thực tế, rất nhiều trường hợp tổ chức tín dụng nhận thế chấp tài sản là nhà bảo vệ, nhà để xe, nhà bếp, nhà kho, nhà xưởng… Tuy nhiên, cả tổ chức tín dụng và cơ quan đăng ký đều lúng túng không biết xác định các nhà này có được coi là công trình phụ trợ nằm ngoài công trình chính hay không trong quá trình thực hiện việc đăng ký. Hay quyền sở hữu đối với những động sản có giá trị lớn như cây cảnh trị giá nhiều tỷ đồng vẫn chưa có quy định hướng dẫn cơ chế đăng ký theo yêu cầu của người dân. Phát huy tối đa giá trị của tài sản Cùng chung nhận định của Bộ Tư pháp, Phó Trưởng phòng dân sự - kinh tế (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Văn Mạnh điểm lại hàng loạt văn bản hiện có quy định việc đăng ký tài sản. Trong bối cảnh này thì BLDS năm 2015, bên cạnh quyền sở hữu, đã ghi nhận các “vật quyền” mới, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về quyền “địa dịch”. Do vậy, việc đăng ký công khai “vật quyền” này để làm rõ phạm vi, tính chất và thứ tự ưu tiên khi xử lý tài sản là một yêu cầu bức thiết để các quy định về “vật quyền” trong BLDS có hiệu lực trên thực tế. Ngoài ra, nhằm phát huy tối đa giá trị của tài sản, tạo thêm một kênh huy động nguồn vốn cho các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, cần nghiên cứu để xây dựng các quy định về đăng ký chuyển quyền. Từ các lý do trên, ông Mạnh tán thành sự cần thiết triển khai nghiên cứu và soạn thảo Luật Đăng ký tài sản. Dưới giác độ lý luận, TS Vũ Thị Hồng Yến (Trường Đại học Luật Hà Nội) thấy rằng đăng ký không chỉ liên quan đến lợi ích của các bên trong quan hệ mà còn có những ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác có liên quan đến tài sản và liên quan đến lợi ích của Nhà nước. Bởi thế, việc đăng ký không thể tùy sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch mà phải do Nhà nước quy định và phải coi đó là thủ tục bắt buộc. Bà Yến kiến nghị, trong Luật Đăng ký tài sản cần có quy định về hệ quả pháp lý đối với trường hợp chủ thể không thực hiện việc đăng ký. Nếu thống nhất chủ trương đăng ký là nghĩa vụ và bắt buộc đối với các chủ thể thì Luật Đăng ký tài sản phải xác định rõ phạm vi những loại quyền nào trên tài sản nào bắt buộc phải đăng ký, các loại giao dịch nào liên quan đến loại tài sản nào phải đăng ký mới phát sinh hiệu lực. Tuy nhiên, cũng cần quy định sao cho việc đăng ký được tiến hành với thời gian nhanh nhất, ít chi phí nhất, chính xác và hiệu quả nhất.