VIDEO CLIPS
Video
Chém người như phim hành động
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Doanh nghiệp - Dân sự - 0904566636

Đất đai - Hành chính - 094.515.6636

Hình sự - Hôn nhân và gia đình - 0904566636
Hôm nay: 393 | Tất cả: 738,811
LIÊN KẾT FACEBOOK
 
VĂN BẢN CHÍNH SÁCH Bản in
 
Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN: Tháo gỡ nhiều nút thắt trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm
Tin đăng ngày: 10/7/2014 - Xem: 1568
 

Ngày 16/6/2014, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 7 năm 2014,  gồm có 3 chương, 14 Điều, trong đó tập trung hướng dẫn một số vấn đề cơ bản sau đây:

1. Tăng cường và đảm bảo quyền chủ động của bên nhận bảo đảm trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm

Thực tiễn cho thấy, việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan (ví dụ như: thái độ hợp tác của bên bảo đảm hoặc bên giữ tài sản bảo đảm; sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền...), do đó, tuy đã được pháp luật thừa nhận song trên thực tế thì bên nhận bảo đảm vẫn chưa có được quyền chủ động khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo đảm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, gây rủi ro cho bên nhận bảo đảm. Do vậy, để giải quyết vướng mắc nêu trên, Thông tư số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN đã có những quy định hướng dẫn, tạo cơ chế pháp lý nhằm tăng cường và đảm bảo quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Thông tư số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN trao quyền chủ động cho bên nhận bảo đảm trong việc định giá tài sản bảo đảm khi xử lý tài sản bảo đảm bằng phương thức bán không qua đấu giá. Theo đó, tại khoản 1 Điều 10 Thông tư quy định: sau thời hạn mười lăm (15) ngày, nếu bên bảo đảm không chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá bán tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá bán tài sản. Trong trường hợp tài sản bảo đảm không bán được theo định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá thì bên nhận bảo đảm được quyền hạ giá bán tài sản trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày không bán được tài sản. Sau ba (03) lần liên tục hạ giá mà vẫn không bán được tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Thông tư số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN, bên nhận bảo đảm được quyền chủ động: (1) thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; (2) ký kết các hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản khi thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm cho người mua tài sản bảo đảm, cụ thể như sau: “Trong trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thì bên nhận bảo đảm được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu đó nhưng trong hồ sơ đề nghị chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải bổ sung một (01) bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc một (01) bản sao hợp đồng bảo đảm được Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực, tổ chức hành nghề công chứng cấp từ bản chính hoặc văn bản khác chứng minh có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.”

Các quy định nói trên có ý nghĩa quan trọng đối với bên có quyền trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng như bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm nhằm khắc phục được tình trạng bất hợp tác của chủ sở hữu tài sản trong quá trình thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm, gây khó khăn cho bên nhận bảo đảm trong quá trình xử lý.  

2. Thực hiện cải cách hành chính theo hướng quy dịnh liên thông thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm và thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất khi xử lý tài sản bảo đảm

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bên nhận bảo đảm trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, tại khoản 5 Điều 12 Thông tư quy định: Việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản được thực hiện đồng thời với việc xóa đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong trường hợp có văn bản đồng ý của bên nhận bảo đảm thì bên bảo đảm có quyền yêu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trước khi xóa đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản đó. Hồ sơ đề nghị chỉnh lý biến động về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản bảo đảm được nộp đồng thời với hồ sơ yêu cầu xóa đăng ký giao dịch bảo đảm để cơ quan có thẩm quyền đăng ký thực hiện việc chỉnh lý biến động đồng thời với xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo thủ tục do pháp luật quy định.

3. Thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về một số phương thức xử lý tài sản bảo đảm đồng thời hướng dẫn việc xử lý đối với một số loại tài sản bảo đảm dặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ

3.1. Thông tư hướng dẫn về bán tài sản bảo đảm không qua đấu giá, nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm (Điều 10, Điều 11 Thông tư)

Nhằm tạo quyền chủ động cho bên nhận bảo đảm trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư đã hướng dẫn chi tiết về việc bán tài sản bảo đảm không qua đấu giá, nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm. Cụ thể như sau:

a) Phương thức bán tài sản bảo đảm không qua đấu giá

Thứ nhất, về xác định giá bán tài sản, điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư quy định: giá bán tài sản trong trường hợp bán không qua đấu giá thuộc quyền thỏa thuận của các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm). Trong trường hợp không thỏa thuận được giá bán tài sản thì bên bảo đảm có quyền chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá bán tài sản trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày không thỏa thuận được giá bán. Sau thời hạn mười lăm (15) ngày, nếu bên bảo đảm không chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá thì bên nhận bảo đảm có quyền chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá bán tài sản. Chi phí thuê cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá được tính vào chi phí xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ hai, về thủ tục bán tài sản, điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư quy định: Trong trường hợp tài sản bảo đảm không bán được theo định giá của cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá thì bên nhận bảo đảm được quyền hạ giá bán tài sản trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày không bán được tài sản. Việc hạ giá bán tài sản thực hiện liên tục ba (03) lần nhưng mỗi lần hạ giá bán tài sản không được quá mười phần trăm (10%) giá đã định và phải cách nhau ít nhất là ba mươi ngày (30) ngày đối với bất động sản và mười lăm (15) ngày đối với động sản. Bên nhận bảo đảm có trách nhiệm thông báo cho bên bảo đảm việc hạ giá bán tài sản bảo đảm.  

Sau ba (03) lần liên tục hạ giá mà vẫn không bán được tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này. Giá trị tài sản bảo đảm trong trường hợp này là mức giá của lần hạ giá cuối cùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

b) Phương thức nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm:

Thứ nhất, về xác định giá trị tài sản bảo đảm, khoản 1 Điều 11 quy định:   việc xác định giá trị của tài sản bảo đảm được thực hiện theo hướng dẫn về xác định giá bán tài sản bảo đảm trong trường hợp không qua đấu giá quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Thông tư này.

Thứ hai, về chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm sau khi xử lý tài sản bảo đảm, khoản 2 Điều 11 quy định: Trường hợp tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, sau khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm có trách nhiệm nộp hồ sơ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 của Thông tư này. Hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản thỏa thuận khác về việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm được sử dụng thay thế cho hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.

Thứ ba, về thời điểm chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, khoản 3 Điều 11 quy định: Trường hợp tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, sau khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm có quyền sở hữu đối với tài sản đó từ thời điểm tài sản được chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Thứ tư, về thanh toán, bù trừ nghĩa vụ trong trường hợp có sự chênh lệch về giá trị tài sản bảo đảm và giá trị nghĩa vụ được bảo đảm, khoản 4 Điều 11 quy định: Giá trị của tài sản bảo đảm được bù trừ vào số tiền vay, tiền lãi phát sinh từ hợp đồng tín dụng và các chi phí hợp lý khác theo quy định của pháp luật. Bên bảo đảm được nhận số tiền còn lại sau khi đã thanh toán đầy đủ nghĩa vụ cho bên nhận bảo đảm. Trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán giá trị nghĩa vụ thì bên bảo đảm có trách nhiệm hoàn trả số tiền còn thiếu cho bên nhận bảo đảm nếu bên bảo đảm đồng thời là bên có nghĩa vụ được bảo đảm hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải hoàn trả số tiền còn thiếu cho bên nhận bảo đảm nếu bên bảo đảm không đồng thời là bên có nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Thứ năm, xử lý trường hợp nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm nhưng bên nhận bảo đảm không thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, khoản 5 Điều 11 quy định: Trường hợp bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm nhưng không thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật thì bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận lựa chọn phương thức xử lý tài sản bảo đảm khác đã được quy định tại Điều 59 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP. Nội dung thỏa thuận của các bên có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng bảo đảm.

3.2. Thông tư hướng dẫn chi tiết hơn việc xử lý đối với một số loại tài sản bảo đảm đặc thù

 a) Về xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ

Điều 7 Thông tư hướng dẫn chi tiết việc xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ với các nội dung cụ thể sau đây:

Thứ nhất, về nghĩa vụ thông báo việc xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ, khoản 1 Điều 7 quy định: Trước thời điểm xử lý quyền đòi nợ ít nhất bảy (07) ngày làm việc, bên nhận thế chấp gửi cho bên có nghĩa vụ trả nợ văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ và một (01) bản sao có xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng đối với hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ đã được công chứng hoặc bản chính hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ có chữ ký, con dấu (nếu có) của các bên hoặc Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền đòi nợ do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp.

Thứ hai, về việc thực hiện thủ tục thanh toán khoản nợ cho bên nhận thế chấp, khoản 2 Điều 7 quy định: Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ, bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm thanh toán khoản nợ cho bên nhận thế chấp theo hướng dẫn như sau:

- Nếu thời điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng có căn cứ phát sinh quyền đòi nợ của bên thế chấp xảy ra trước thời điểm xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp thì bên có nghĩa vụ trả nợ có trách nhiệm chuyển khoản tiền trả nợ vào tài khoản do bên có nghĩa vụ trả nợ mở tại Ngân hàng theo chỉ định của bên nhận thế chấp.

Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu Ngân hàng phong tỏa tài khoản này và chỉ được quyền yêu cầu Ngân hàng giải tỏa để xử lý khi đến thời điểm xử lý tài sản thế chấp. Kể từ thời điểm nộp tiền vào tài khoản, bên có nghĩa vụ trả nợ không được quyền yêu cầu Ngân hàng giải tỏa và thực hiện giao dịch đối với số tiền này.

- Nếu thời điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng có căn cứ phát sinh quyền đòi nợ của bên thế chấp xảy ra sau thời điểm xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp thì bên nhận thế chấp được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán khoản nợ đó cho mình tại thời điểm nghĩa vụ trả nợ đến hạn.

Bên nhận thế chấp không được yêu cầu bên thế chấp thanh toán khi nghĩa vụ trả nợ chưa đến hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác

Thứ ba, về việc nhận trực tiếp các khoản tiền, tài sản từ bên có nghĩa vụ trả nợ, khoản 3 Điều 7 quy định: bên nhận thế chấp phải lập biên bản có chữ ký của bên thế chấp, bên nhận thế chấp và bên có nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp bên thế chấp không ký vào biên bản thì biên bản đó chỉ cần chữ ký của bên nhận thế chấp, đồng thời bên nhận thế chấp có trách nhiệm gửi biên bản nhận các khoản tiền, tài sản cho bên thế chấp. Biên bản nhận các khoản tiền, tài sản phải ghi rõ việc bàn giao, tiếp nhận các khoản tiền, tài sản và xác định giá trị tài sản.

Thứ tư, về quyền thực hiện các biện pháp để thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng thế chấp của bên nhận thế chấp trong trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ, khoản 4 Điều 7 quy định:

- Trường hợp khoản nợ là vật thì bên nhận thế chấp có quyền thu giữ để xử lý theo thủ tục quy định tại Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.

- Trường hợp khoản nợ là tiền thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải trả số tiền gốc, lãi và lãi quá hạn (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng, phù hợp với quy định của pháp luật, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

- Yêu cầu bên thế chấp thực hiện tiếp nghĩa vụ bảo đảm trong trường hợp giá trị nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng có căn cứ phát sinh quyền đòi nợ thực hiện không đủ để thanh toán giá trị nghĩa vụ của bên thế chấp.

- Khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

b) Xử lý tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, Thông tư quy định cơ chế pháp lý xử lý tài sản bảo đảm đối với tài sản này giống như cơ chế pháp lý xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ. Theo khoản 5 Điều 7, việc xử lý tài sản thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này về xử lý tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ.

c) Xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai

- Đối với tài sản thế chấp là nhà ở thương mại hình thành trong tương lai do tổ chức, cá nhân mua của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Thông tư quy định việc xử lý như sau:

Nếu chủ đầu tư chưa bàn giao nhà ở cho bên thế chấp thì bên nhận thế chấp được quyền nhận chính tài sản thế chấp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp theo quy định tại Điều 11 Thông tư này hoặc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai cho bên thứ ba theo thủ tục chuyển nhượng  hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sau đây gọi là Nghị định số 71/2010/NĐ-CP) và Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 01 tháng 9 năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sau đây gọi là Thông tư số 16/2010/TT-BXD). Trong trường hợp nhận chính tài sản thế chấp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp, bên nhận thế chấp phải tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Nếu chủ đầu tư đã bàn giao nhà ở cho bên thế chấp nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho bên mua nhà ở trong trường hợp nhà ở được bán để thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm. Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Đối với tài sản thế chấp là nhà ở xã hội, Thông tư quy định việc xử lý như sau:

Nếu chủ đầu tư chưa bàn giao nhà ở cho bên thế chấp thì bên nhận thế chấp phối hợp với chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng mua bán nhà ở với bên thế chấp để bán lại nhà ở đó cho đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở. Nếu chủ đầu tư đã bàn giao nhà ở cho bên thế chấp nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì bên nhận thế chấp phối hợp với chủ đầu tư bán lại nhà ở đó cho đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở. Thủ tục mua bán nhà ở được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP và Thông tư số 16/2010/TT-BXD.

d) Xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp hợp đồng thế chấp đã được đăng ký trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật  (Điều 6 Thông tư)

Thông tư quy định: Bên nhận thế chấp được quyền nhận số tiền bồi thường nếu bên thế chấp và bên nhận thế chấp có thỏa thuận về việc bên nhận thế chấp được nhận số tiền bồi thường hoặc các lợi ích phát sinh liên quan đến tài sản thế chấp trong thời gian hợp đồng thế chấp có hiệu lực hoặc có văn bản đồng ý của bên thế chấp trong trường hợp các bên không có thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và bên thế chấp không đồng ý cho bên nhận thế chấp được quyền nhận số tiền bồi thường thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường chuyển số tiền bồi thường vào tài khoản do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường lập tại ngân hàng và thực hiện việc chi trả sau khi có bản án, quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên, Thông tư còn có các quy định về trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong việc xử lý tài sản bảo đảm (Điều 3), xử lý tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai không phải là nhà ở (Điều 8), trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Thông tư này (Điều 14)…

Việc ban hành Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN góp phần tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm,  thúc đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu cho nền kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch bảo đảm.

Thu Hằng - Hương Trà (Cục Đăng ký GDBĐ)

 
Văn bản chính sách khác:
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 05/2015 (20/5/2015)
Từ ngày 01/5/2015, những Nghị định sau đây chính thức có hiệu lực thi hành (20/5/2015)
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 5/2015 (20/5/2015)
Lịch nghỉ lễ, Tết năm 2015 (10/12/2014)
Tổng hợp điểm mới Luật sửa đổi các Luật về thuế (10/12/2014)
Hướng dẫn về Bảo hiểm y tế năm 2015 (10/12/2014)
Mức lương tối thiểu vùng năm 2015 (10/12/2014)
Những điểm đáng chú ý trong Luật Hộ tịch 2014 (10/12/2014)
Điểm mới của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 (10/12/2014)
Một số điểm mới trong Luật đầu tư 2014 (10/12/2014)
Tổng hợp điểm mới của Thông tư 151/2014/TT-BTC về thuế (10/11/2014)
Quy định mới hướng dẫn Luật thuế TNDN, TNCN, GTGT (10/10/2014)
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 10 (10/10/2014)
Quy định mới đối với xe tải tham gia giao thông (10/10/2014)
Hướng dẫn lấy ý kiến xây dựng chính sách về lao động (10/10/2014)

Văn phòng Luật sư Thành Vinh
Địa chỉ: Phòng 206 - tầng 2 - Tòa nhà Đệ Nhất - số 78 - Nguyễn Thị Minh Khai - TP Vinh - Nghệ An
Điện thoại: 02383.587.757 - Hotline: 090.456.6636 - 094.515.6636
Email: luatsuthanhvinh@gmail.com - Website: http://luatsuthanhvinh.com

Văn bản chính sách
  • Chính sách nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 05/2015
  • Từ ngày 01/5/2015, những Nghị định sau đây chính thức c
  • Chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 5/2015
  • Lịch nghỉ lễ, Tết năm 2015
  • Tổng hợp điểm mới Luật sửa đổi các Luật về thuế
  • Hướng dẫn về Bảo hiểm y tế năm 2015
  • Mức lương tối thiểu vùng năm 2015
  • Những điểm đáng chú ý trong Luật Hộ tịch 2014