(VBF) - Thực hiện hướng dẫn tại Thông tư 10/1014/TT-BTP ngày 07/4/2014 của Bộ Tư pháp về nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư, ngày 17/12/2014 tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) đã tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của các luật sư liên quan đến vấn đề này.
Quang cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có đông đảo các luật sư đến từ các Đoàn luật sư tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội… Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Luật sư Lê Thúc Anh - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch LĐLSVN; Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký LĐLSVN; Luật sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thơ - Chủ nhiệm Ủy ban Đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng, phổ biến pháp luật LĐLSVN.
Tại hội thảo này, Luật sư Nguyễn Đình Thơ đã thay mặt Ban tổ chức giới thiệu về Công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư 10/1014/TT-BTP ngày 07/4/2014 của Bộ Tư pháp, đồng thời nêu lên một số nội dung chủ yếu của Thông tư 10/1014/TT-BTP. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư trong giai đoạn hiện nay khi mà đội ngũ luật sư đang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nghị quyết số 49/NQ/TƯ ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chú trọng tới công tác đào tạo luật sư. Nghị quyết 49 nêu rõ: “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn” và như vậy việc LĐLSVN tổ chức triển khai kế hoạch quán triệt nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư là một việc làm cần thiết.
Nội dung của hai bản Dự thảo mà LĐLSVN đưa ra đó là Dự thảo Công văn về việc hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư và Dự thảo Quyết định ban hành Quy định tạm thời xử lý kỷ luật luật sư không tham gia chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm cũng đã được Ban tổ chức giới thiệu để các đại biểu tham dự được biết và tham gia góp ý kiến.
Có 11 nhóm ý kiến đóng góp tại hội thảo liên quan đến Thông tư 10/1014/TT-BTP và hai Dự thảo đã được Ban tổ chức tổng hợp lại và tiếp thu.
Liên quan đến chủ thể tổ chức các lớp bồi dưỡng, các đại biểu đều thống nhất là phải bám theo Điều 11 của Thông tư. Đoàn luật sư có quyền tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và không bị giới hạn. Các tổ chức hành nghề luật sư cần có sự phối hợp với Đoàn luật sư trong công tác này.
Về nội dung chương trình, kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng, các đại biểu cho rằng LĐLSVN phải có sự chủ động về kế hoạch triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng đó, đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Liên đoàn để các Đoàn luật sư được biết. Các tổ chức hành nghề luật sư nếu đủ điều kiện để tổ chức các lớp bồi dưỡng thì Đoàn luật sư cần tạo điều kiện cho các tổ chức đó thực hiện. Các Đoàn luật sư sẽ lập danh sách luật sư tham gia lớp bồi dưỡng và có cơ chế rà soát chất lượng đào tạo thích hợp.
Liên quan đến việc kỷ luật luật sư khi vi phạm nghĩ vụ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phần lớn các đại biểu đều thống nhất cho rằng việc xử lý kỷ luật là cần thiết và phải được thực hiện nghiêm túc.
Đối với các tiêu chí giảng viên, các ý kiến đều thống nhất việc lựa chon giảng viên phải hội tụ đủ các tiêu chí cần có của một cán bộ làm công tác giảng dạy, trong đó các điều kiện về kinh nghiệm, năng lực, uy tín phải được đặt lên hàng đầu. Ban chủ nhiệm các Đoàn luật sư sẽ phê duyệt giảng viên của các lớp bồi dưỡng đó.
Về vấn đề học phí, có nhiều ý kiến cho rằng mức học phí dự kiến đưa ra hiện nay còn cao, một vài đại biểu cho rằng cần mức đó là bình thường nhưng cũng có những đại biểu cho rằng cần tận dụng kinh phí thu được từ nguồn án chỉ định của các Đoàn luật sư để lấy đó trang trải cho các đợt tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ luật sư.
Đóng góp về nội dung và hình thức của hai bản Dự thảo mà LĐLSVN đưa ra, có đại biểu cho rằng lên bỏ chữ “tạm thời” đi để quyết định đó là quyết định chính thức, có giái trị thực thi ngay. Có ý kiến cho rằng hai bản Dự thảo đó không cần sáp nhập làm một, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chỉ cần để thành một văn bản để việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn.
Liên quan đến vấn đề các Đoàn luật sư cùng phối hợp với nhau để tổ chức các lớp bồi dưỡng thì ai sẽ là người ký quyết đinh công nhận, các đại biểu đều thống là việc ký quyết định đó cần có sự linh hoạt, miễn sao có sự thỏa thuận, thống nhất giữa các Đoàn luật sư với nhau. LĐLSVN cần có cơ chế hỗ trợ một phần cho các Đoàn luật sư khó khăn trong khâu in ấn và phát hành các tài liệu phục vụ cho việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của luật sư. Bên cạnh đó, các đại biểu đều cho rằng LĐLSVN cần xây dựng Quỹ bồi dưỡng luật sư để có nguồn kinh phí hỗ trợ các Đoàn luật sư gặp nhiều khó khăn.
Về việc tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch, tài liệu in ấn, các đại biểu đều thống nhất thực hiện đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Luật sư Lê Thúc Anh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các luật sư và hy vọng trong thời gian tới các luật sư sẽ chung tay cùng với LĐLSVN và các Đoàn luật sư để thực hiện tốt Thông 10/1014/TT-BTP ngày 07/4/2014 của Bộ Tư pháp và các kế hoạch của LĐLSVN liên quan đến công tác bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư.
Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan
(Đoàn luật sư TP. Hà Nội)